HOME | SEARCH | LOG IN | SIGN UP
Trung tâm Đào tạo Tư vấn Các hoạt động Truyền thông Y tế Bảng tin
Thông báo
Báo chí
Lịch hoạt động
Album
Thư Giám đốc Trung tâm
Trang web liên quan
- Sơ-un
- Kyơng-ki
- In-chơn
- Quang-chu
- Đe-ku
- Bu-san
- Kang-uôn
- Kyơng-sang-nam
- Kyơng-sang-buc
- Chơn-la-buc
- Chơn-la-nam
- Chung-chơng-nam
- Chung-chơng-buc
- Chê-chu
 Home > Bảng tin > Báo chí  > Người Hàn Quốc ở Việt Nam - Bài 1: Những khu “phố Hàn” Sài Gòn

    Người Hàn Quốc ở Việt Nam - Bài 1: Những khu “phố Hàn” Sài Gòn
    Admin     2009/08/18 5:55 pm
 

 

 

 

“Sống lặng lẽ, chịu khó làm ăn, hòa đồng với những người xung quanh... Đó là cuộc sống hiện nay của cộng đồng người Hàn Quốc tại VN nói chung và TP.HCM nói riêng”, chị Huỳnh Hòa Thủy Tiên, phóng viên tờ báo Kiều Dân Hàn Quốc nhận xét như thế.

Ký ức Phạm Văn Hai

Nằm sau lưng ngôi chợ sầm uất Phạm Văn Hai, “phố Hàn” hiện ra trên đường Tân Sơn Hòa (P.2, Q.Tân Bình) bởi những quán ăn, tiệm uốn tóc, thẩm mỹ viện... viết bằng hai thứ tiếng Việt - Hàn. Cuộc sống của khu vực này khá bình yên, không tấp nập bằng các “phố Hàn” khác như: K300 (P.12, Q.Tân Bình), Super Bowl (P.4, Q.Tân Bình), Phú Mỹ Hưng (Q.7)...

Ngồi nhâm nhi ly rượu Soju, nhắc lại “phố Hàn” Phạm Văn Hai, ông Hur Buyng Ki, chủ hiệu nước khoáng tinh khiết On San và quán ăn Sa Rang Bang cảm thấy tiếc nuối... “Đây là khu phố đầu tiên mà phần lớn người Hàn Quốc (HQ) khi đặt chân đến VN làm ăn đều tìm đến sinh sống. Ban đầu chỉ có khoảng 50 hộ, lúc hưng thịnh lên đến cả 100 gia đình. Đó là chưa kể hàng loạt khách sạn mọc lên đón khách đến tham quan, du lịch, tìm hiểu thị trường... Người Hàn bắt đầu mở nhà hàng, siêu thị, thẩm mỹ viện, hiệu thuốc bắc... để phục vụ khách bản địa. Từ sáng sớm,  đã nghe tiếng í ới rủ nhau tập thể dục, đi chợ, chiều tụ họp đánh cờ bàn chuyện kinh doanh, rất xôm tụ. Bây giờ chỉ còn vài hộ sinh sống” - ông Hur kể lại.

Từng công tác trong ngành hàng không hơn 30 năm, có dịp đi nhiều nước, nhưng cuối cùng ông Hur (74 tuổi) lại bỏ vợ con ở Seoul, một mình đến VN sinh sống (từ năm 1994) bởi lý lẽ hết sức đơn giản “thích sự bình yên và tình cảm của con người ở đây”. Ông Hur còn bảo: “Dự định sống ở đây cho đến cuối đời”.

Mở công ty để phục vụ cho người HQ đến VN du lịch cũng rất sớm, ông Kim Sang Il, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Đại Nhật nhớ lại: “Giai đoạn khoảng những năm 1990, cứ đặt chân ra khỏi nhà là đụng người HQ, đông lắm. Tuy nhiên, đến năm 1999-2000 một số khách sạn như Đ.T, H.B, T.H... để xảy ra tệ nạn mại dâm nên chính quyền địa phương bắt đầu “siết” mạnh về khâu đăng ký tạm trú, chính vì vậy người HQ bắt đầu tản ra nhiều khu vực khác. Đến nay, thì chỉ còn chưa đầy 10 hộ sinh sống”. 

Đủ thứ ở “phố Hàn” Super Bowl

Khác với khu vực K300 hay Phú Mỹ Hưng chủ yếu dành cho thương nhân HQ, “phố Hàn” sát bên cạnh Super Bowl thì có đủ mọi thành phần đến đây sinh sống. Từ đầu đường Hậu Giang chạy đến hết đường Thăng Long (P.4, Q.Tân Bình) “phố Hàn” hiện ra khá nhộn nhịp.

Dọc theo hai bên đường, không thiếu bất cứ dịch vụ gì để phục vụ nhu cầu của người HQ tại Việt Nam. Ông Kim Soeng Deok, chủ nhà hàng Jal  cho biết: “Công việc kinh doanh nhìn chung đã ổn định, hai đứa con trai của tôi cũng sang đây hiện đang học cấp 2 và 3 ở Phú Mỹ Hưng. Đi nhiều nơi, nhưng tôi thấy người VN thậåt thà, dễ hòa đồng nên quyết định ở đây làm ăn sinh sống”. Đầu đường Thăng Long, quán ăn Ugatron của bà Yang Sueng Eun nổi tiếng cả vùng với món “đuôi bò hầm và gà hầm sâm”. Bà Yang cho biết: “Ở đây, hơi nóng nực và có đôi chút bất đồng ngôn ngữ, nhưng người VN rất mến khách, dễ gần...”. Hằng ngày, bà Yang tự tay đi chợ, chọn thực phẩm rồi nhờ xe ôm đưa đón chẳng khác gì bà nội trợ VN. 

Ngoại trừ một số người sinh sống khá lâu hoặc lấy vợ người Việt quen dần ăn món Việt, phần lớn người HQ vẫn thích ăn uống theo khẩu vị của quê hương. Chính vì thế “phố Hàn” Super Bowl, ngoài nhà hàng còn có nhiều siêu thị bày bán đủ thứ thực phẩm được nhập từ HQ qua như cá hộp, ốc hộp, nước ướp thịt, nước tương, giấm, nấm, bánh snack, mì tôm, cà phê Maxim, trà Barkey, đồ hộp Span, có cả rượu Soju, bia Hite... Chị Yuan Yu Feng, chủ tiệm thực phẩm Woory cho biết: “Phố Hàn ở đây còn là điểm phân phối thực phẩm cho các tiệm bán lẻ, nhà hàng HQ và các gia đình người Hàn đang sinh sống tại TP.HCM”. Về nhu cầu giải trí, ở khu vực này hầu như đầy đủ, từ bi-da, mát-xa,  hớt tóc - gội đầu, karaoke, dịch vụ internet... để phục vụ cho người HQ. Mở tiệm cà phê, ông Joen Soo Sung còn mang cả cờ vây ở HQ sang để cho khách hàng vừa nhâm nhi cà phê vừa thi đấu giải trí.

Hội nhập nơi đất khách

Nhận xét về cộng đồng người Hàn đang ngụ cư ở khu vực Phạm Văn Hai, bà Thu Hồng chủ quán cà phê Kim Huệ (đường Tân Sơn Hòa), nhận xét: “Người Hàn sống lễ độ, tự trọng, hòa đồng, kỷ luật, bảo bọc nhau. Họ rất tôn trọng, luôn giữ và thực hiện những lời đã hứa với người khác”. Thảo, một cô gái miền Trung phục vụ ở quán ăn Ugatron cho biết, người chủ HQ rất thương nhân viên, ngoài lương hằng tháng, mọi thứ đều do bà mua sắm như áo quần, cho ở trọ luôn trong nhà. Tổ trưởng dân phố ở đây cho biết thêm, những nghĩa vụ như an ninh quốc phòng, ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học... cộng đồng người Hàn ở đây đều đóng góp và thực hiện tốt. Họ sống rất thân thiện với người Việt.

Với mối quan hệ khá rộng, Kim Sang Il dành nhiều thời gian dẫn chúng tôi đến những khu “phố Hàn” ở Phạm Văn Hai, khu chung cư KCN Tân Bình, K300 và Phú Mỹ Hưng; mỗi nơi một vẻ khác nhau.  Sang Il  cho biết, hiện có khoảng 70.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại VN (cao điểm có khi lên đến gần cả 100.000 người); trong đó, hơn 2/3 sống ở TP.HCM. Đến VN, họ thành lập hội để dễ quy tụ như hội người già, hội người Hàn, hội phụ nữ, hội bóng đá, hội thương nhân... Trường học thì cũng khá đầy đủ từ mẫu giáo (Q.Tân Bình) cho đến trường cấp 2, 3 và ở khu Phú Mỹ Hưng; nghe nói, đã có những dự án xây trường đại học.

Về báo chí, ngoài tuần báo Kiều Dân Hàn Quốc (có văn phòng tại TP.HCM) còn hàng loạt báo khác, như tạp chí Good Morning VN, Viva, Sài Gòn quảng cáo... đều phát hành miễn phí phục vụ cho cộng đồng người HQ tại VN. Về tôn giáo, ngoài 10 nhà thờ Tin lành, còn có nhà thờ Công giáo ở giáo xứ Vườn Xoài (đường Lê Văn Sỹ) và chùa Quan Âm (đường CMT8, Q.3) phục vụ cho cộng đồng người HQ. Vào những ngày chủ nhật, những gia đình HQ thường đưa vợ chồng, con cái đến nhà thờ cầu nguyện. Sau khi làm lễ xong, các tín đồ cùng nhau dùng bữa trưa, nói chuyện làm ăn sinh sống ở VN rất thân tình. (Còn tiếp)

Hoàng Tuấn - Đại Nhật

(Thanhnienonline)

view list 

Jump to:  


KMcenter 137-1 Garibong 1 Dong, Guro-Gu, Seoul. TEL:02-6900-8002 FAX : 02-6900-800141 E-mail : info@migrantok.org
Copyright by 2004 MigrantWorkers Center in Korea. All right, reserved. Representative : Son Jong Ha
Supported by ONTOIN