HOME | SEARCH | LOG IN | SIGN UP
Trung tâm Đào tạo Tư vấn Các hoạt động Truyền thông Y tế Bảng tin
MNTV
Migrant.kr
MigrantOK
Báo điện tử
- Năm 2007
- Năm 2008
 Home > Truyền thông  > Báo điện tử > Năm 2008 > Vinashin chuẩn bị cho nhu cầu 20.000 lao động

    Vinashin chuẩn bị cho nhu cầu 20.000 lao động
    Admin     2008/05/06 11:36 am
Vinashin chuẩn bị cho nhu cầu 20.000 lao động
 
Ông Trần Quang Vũ, Ủy viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho biết: để đáp ứng kịp độ tăng tốc của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, trong năm 2008, các nhà máy thuộc Vinashin cần tuyển thêm khoảng 20.000 kỹ sư, công nhân bậc cao.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, ông giải thích cụ thể hơn:
Năm 2008, Vinashin cần tuyển khoảng 4.000 kỹ sư, cử nhân các ngành nghề: vỏ tàu, máy tàu, thiết kế tàu thủy, máy xếp dỡ, cơ khí, công nghệ sơn, công nghệ hàn, công nghệ thông tin, cử nhân kế toán, kinh tế... và 16.000 công nhân các ngành: lắp ráp vỏ tàu, hàn vỏ tàu, lắp đặt máy tàu thủy, thợ đường ống, sơn... (trong đó sẽ tuyển dụng đào tạo khoảng 3.000 đến 4.000 lao động phổ thông).
* Để có đủ 20.000 kỹ sư, công nhân lành nghề trong 2008 phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu, Vinashin đã chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Những năm qua, chúng tôi đã liên kết với các trường đại học, trường công nhân kỹ thuật tàu thủy, trường đào tạo nghề trong nước để đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân và tập trung nâng cao tay nghề người lao động tại các phân xưởng của nhà máy. Hiện nay, Vinashin cũng đã có các trường riêng như: Trường kỹ thuật và nghiệp vụ tàu thủy I (Hải Phòng), trường kỹ thuật và nghiệp vụ tàu thủy II ở TP.HCM; trường kỹ thuật và nghiệp vụ tàu thủy III ở Đà Nẵng, trường công nhân kỹ thuật tàu thủy V ở Quy Nhơn (Bình Định), trường công nhân kỹ thuật đóng tàu Bạch Đằng, Phà Dừng (Hải Phòng)... Các trường này tập trung đào tạo công nhân tiếp cận, học các công nghệ: Lắp ráp vỏ tàu, hàn vỏ tàu, công nghệ ống, lắp đặt máy...
Riêng lao động phổ thông, chúng tôi đưa trực tiếp về các nhà máy để đào tạo thực tế tại các phân xưởng, sau 6 tháng, người lao động sẽ được tiếp nhận làm việc. Vinashin cũng đã liên kết với các trường đại học trong nước như: ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường trung cấp nghề Dung Quất (Quảng Ngãi), trường ĐH Sư phạm Qui Nhơn (Bình Định)... mở các khóa đào tạo ĐH chính
qui chuyên ngành công nghiệp đóng tàu.
Hiện nay, khu vực các tỉnh phía Bắc và phía Nam, nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp đóng tàu đã tạm ổn định, riêng khu vực miền Trung thì còn quá thiếu.
* Trong vài năm tới, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã dự báo những nhà máy nào thuộc Vinashin sẽ cần tuyển số lượng lớn lao động, thưa ông?
- Theo dự báo, trong vòng ba năm nữa, nhà máy đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi) sẽ cần thêm khoảng 6.000 kỹ sư, công nhân. Nhà máy đóng tàu Phà Rừng và Nam Triệu (Hải Phòng) cần gần 6.000 lao động. Các nhà máy đóng tàu ở miền Nam gồm các nhà máy đóng tàu: Sông Tiền, Soài Rạp (Tiền Giang), sông Hậu (Hậu Giang), Cà Mau... cần tổng cộng trên 10.000 người.
* Thưa ông, để thu hút người lao động về làm việc, gắn bó với các nhà máy trải dài khắp mọi miền đất nước, Vinashin đã và đang có chính sách gì chăm lo người lao động?
- Trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, thời gian tới, Vinashin sẽ trích ra mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng để hỗ trợ thêm cho các học viên bao gồm: Các thiết bị, vật tư... thực hành miễn phí; hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nghề. Tùy theo đặc điểm của từng vùng, Vinashin sẽ hỗ trợ nơi ở cho các học viên học nghề.
Ngành công nghiệp đóng tàu là nơi tập trung số lượng lao động lớn, chúng tôi hiểu rõ nếu không lo được hậu cần cho người lao động thì Vinashin cũng không thể phát triển bền vững được. Do vậy, song song với việc xây dựng các nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển, chúng tôi đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển dịch vụ cho người lao động trong ngành công nghiệp đóng tàu.
Hầu hết các nhà máy lớn của Vinashin đã và đang đầu tư các bếp ăn tập thể, nuôi trồng, tăng gia thực phẩm trong bữa ăn cho người lao động; xây dựng khu căn hộ trả góp (giá rẻ); xe buýt đưa, đón miễn phí, điều chỉnh nâng mức lương cơ bản phù hợp (chẳng hạn như ở nhà máy đóng tàu Dung Quất mức lương trung bình của người lao động được điều chỉnh từ 2,5 triệu lên 3 triệu đồng/tháng/người ngay trong đầu tháng 4-2008 vừa qua...) để cán bộ, kỹ sư và công nhân yên tâm công tác, gắn bó làm việc lâu dài tại các nhà máy đóng, sửa chữa tàu thủy trên phạm vi cả nước.
Tính đến tháng 5-2008, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có hơn 35 nhà máy đóng tàu đã được xây dựng, hoạt động.
Hiện tại, Vinashin đang triển khai đóng tàu có trọng tải lớn, trong đó có những hợp đồng đóng tàu trọng tải lớn trên 100.000 tấn... và trong thời gian tới sẽ tham gia đóng, sửa chữa những chiếc tàu 315.000 tấn. 
 
 
 
 
 
 
 
 
Theo Tuổi Trẻ, www.tuoitre.com.vn, 05/05/2008
 
 
view list 

Jump to:  


KMcenter 137-1 Garibong 1 Dong, Guro-Gu, Seoul. TEL:02-6900-8002 FAX : 02-6900-800141 E-mail : info@migrantok.org
Copyright by 2004 MigrantWorkers Center in Korea. All right, reserved. Representative : Son Jong Ha
Supported by ONTOIN