HOME | SEARCH | LOG IN | SIGN UP
Trung tâm Đào tạo Tư vấn Các hoạt động Truyền thông Y tế Bảng tin
MNTV
Migrant.kr
MigrantOK
Báo điện tử
- Năm 2007
- Năm 2008
 Home > Truyền thông  > Báo điện tử > Năm 2007 > Cuộc sống của người lao động VN tại Malaysia

    Cuộc sống của người lao động VN tại Malaysia
    Admin     2007/11/21 12:33 pm

 

Cuộc sống của người lao động VN tại Malaysia

Sau ca làm đêm, chị Nguyễn Thị Luân lại lên xe buýt trở về ký túc xá. Hơn một tháng nay, người nông dân quê Chí Linh, Hải Dương này đã bắt nhịp với môi trường làm việc mới tại Nhà máy điện tử Sony, bang Penang, Malaysia.

Chị Luân cùng 15 lao động Việt Nam được bố trí ở trong một căn phòng rộng chừng 80 m2, gồm 8 giường tầng, 1 tủ lạnh, 2 toilet và một khu bếp. Quần áo và tư trang cá nhân được đựng trong những chiếc tủ bạt, cứ hai người chung một tủ. Nhìn căn phòng bề bộn với valy, quần áo treo lủng lẳng trên tường, chị Luân giải thích: "Tụi tôi mới sang, đi làm suốt ngày, về đến phòng lại bộn rộn với đi chợ, nấu ăn, rồi mệt quá lăn ra ngủ nên ít có thời gian dọn dẹp".

Nói xong, chị Luân và nhóm bạn cùng phòng lại tíu tít xem hướng dẫn dùng thẻ điện thoại giá rẻ để gọi điện về Việt Nam. Một nhóm công nhân khác thì sửa soạn bữa ăn sáng. Trong chiếc tủ lạnh đựng đồ ăn cho cả phòng chứa đầy những trứng, chân gà và nội tạng lợn, chỉ có một ít rau cải bắp. Chị Nguyễn Thị Giới quê thành phố Bắc Giang vừa rang cơm, vừa giải thích: "Ở đây rau đắt lắm, những 2 ringgit (khoảng 10.000 đồng Việt Nam) một kg bắp cải, trong khi chân cánh gà thì chỉ cần 1 ringgit thì ăn được mấy ngày".

 

Theo nhận xét của lao động, sinh hoạt ở Malaysia không quá khác biệt. Thời tiết giống mùa hè của Việt Nam, thực phẩm cũng tương đồng. Trừ bữa ăn giữa ca được chủ bao, lao động phải nấu bữa sáng và tối. Với mức lương cơ bản ở nhà máy Sony là 18,5 ringgit một ngày, tính cả giờ làm thêm, tiền thưởng, mỗi tháng trung bình lao động kiếm được 800 ringgit. Nếu trừ đi 110 ringgit tiền thuế và khoảng 100-150 ringgit chi phí ăn uống, mỗi tháng lao động dành dụm được 2-3 triệu đồng.

"Chị em chỉ mong có càng nhiều việc làm thêm càng tốt, như thế mới dành dụm được ít tiền gửi về", chị Nguyễn Thị Hoa, quê Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, tâm sự. Bỏ lại 2 con ở nhà cho ông bà nội, vợ chồng chị Hoa đã vay ngân hàng 44 triệu đồng để cùng đi Malaysia. Chị kể ở quê không có nghề phụ, chỉ chăm vào mảnh ruộng 5 sào, nên không đủ nuôi 2 con ăn học. Mong muốn của đôi vợ chồng này không phải là xây được nhà lầu, tậu xe đẹp, mà đơn giản có chút vốn tích lũy để về nhà buôn bán nhỏ, nuôi hai con ăn học.

Việt Nam hiện có 115.000 người đang làm việc tại Malaysia. Lãnh đạo của các công ty như Renesas, Ting Sheng ở Penang, Flextronics và Percetakon ở Putrajaya, đều đánh giá cao lao động Việt Nam, bởi khả năng nắm bắt công việc rất nhanh, chăm chỉ. Trên bảng thành tích tháng 9 của công ty điện tử Renesas, nơi có 210 lao động Việt Nam làm việc, có ghi danh 2 nữ công nhân người Việt.

 

Hiện các công ty môi giới của Malaysia rất tích cực phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam để tìm người. Điều kiện tuyển dụng đơn giản, chỉ cần lao động phổ thông, dưới 35 tuổi, sức khỏe tốt là có thể đi xuất khẩu. Tuy nhiên, sau vụ hàng nghìn công nhân xây dựng phải về nước trước thời hạn vào năm 2004 và sau đó là một số vụ tranh chấp không được hòa giải kịp thời giữa doanh nghiệp và lao động, việc tìm lao động hiện nay rất khó.

Ông Romand Ooi, Giám đốc Công ty AOG Confidence Enterprise, một công ty chuyên cung ứng nhân lực cho các nhà máy ở Malaysia kể: "Tôi đã sang Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn tuyển dụng, nhưng nhiều lần đành phải về không vì không có người". Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cũng cho biết, 7 tháng đầu năm, có 21.000 lao động đã sang Malaysia làm việc, thua so với năm ngoái khoảng 17.000 người.

Thu nhập ở nhà dưới 1 triệu đồng thì nên đi xuất khẩu, đây là lời khuyên của cả ông Hoàng Trọng Lập, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. Mức lương tại quốc gia đạo Hồi này không cao, trung bình 18,5 đến 25 ringgit một ngày, tùy thuộc vào thâm niên làm việc và khả năng đàm phán của doanh nghiệp xuất khẩu với phía công ty môi giới. Tuy nhiên, với chi phí đưa đi chưa tới 20 triệu đồng, mức sinh hoạt phí chỉ nhỉnh hơn Việt Nam chút đỉnh nên thị trường Malaysia rất thích hợp với lao động nghèo, lao động ở vùng sâu.

Đại sứ Lập cho biết, Malaysia đang cần khoảng 3 triệu lao động nước ngoài, làm việc trong các ngành điện tử, xây dựng, may mặc, đồ gỗ nội thất. Gần đây, chính phủ nước này muốn nhập cả lao động giúp việc gia đình. "Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam phải tuyển chọn cho tốt và phải đưa ra yêu cầu chặt chẽ cho phía đối tác để đảm bảo quyền lợi lao động. Ví dụ Ấn Độ đề nghị chủ sử dụng phải sang tận nơi đón lao động, phải có tiền đặt cọc tại đại sứ quán và phải trang bị điện thoại di động cho người giúp việc", ông Lập nói.

Để giảm thiểu các rủi ro, đại sứ Lập khuyên lao động nên xem xét kỹ các điều kiện làm việc, sinh hoạt trong hợp đồng, nên tìm đến các công ty uy tín, được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp phép. Khi sang Malaysia, người lao động phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp nước bạn, không tùy tiện phá bỏ hợp đồng. "Bởi luật Malaysia rất nghiêm khắc, nếu visa quá hạn sử dụng là bị coi là bất hợp pháp và bị bắt. Chính phủ nước này đang soạn thảo dự luật mới nhằm tăng cường quản lý lao động nước ngoài", ông Lập thông tin.

(Theo Vnexpress, www.vnexpress.net, 20/11/2007)

 

 

 

view list 

Jump to:  


KMcenter 137-1 Garibong 1 Dong, Guro-Gu, Seoul. TEL:02-6900-8002 FAX : 02-6900-800141 E-mail : info@migrantok.org
Copyright by 2004 MigrantWorkers Center in Korea. All right, reserved. Representative : Son Jong Ha
Supported by ONTOIN